Mùa Xuân suy ngẫm về bốn mùa vất vả của người thợ điện

Mùa Xuân suy ngẫm về bốn mùa vất vả của người thợ điện

Năm Canh Tý vừa đi qua, năm Tân Sửu 2021 vừa chợt đến. Trong thời khắc linh thiêng của năm mới ta cũng có những giây phút lắng đọng, nghĩ về cuộc sống người lao động bận mãi suốt bốn mùa của người thợ điện.

 

Mùa xuân là mùa đầu tiên khởi đầu cho một năm mới. Mùa này thời tiết thường vẫn lạnh, đâu đó những chồi non đã cựa mình trên những cành cây khẳng khiu trụi lá. Song xen kẽ với những khoảng thời gian ấm áp vẫn là những ngày xuân se lạnh, mùa này người thợ điện đi làm còn phải mặc đủ ấm với những bộ trang phục bảo hộ chuyên ngành. Xuân về mang theo mưa phùn, làm người thợ điện còn phải mang thêm áo mưa chống ướt. Vậy là trang phục đã cồng kềnh nay càng cồng kềnh hơn với áo khoác bên trong, áo mưa bên ngoài. Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện cũng là lúc trong hành trang người thợ điện còn có thêm chiếc khẩu trang che miệng, như vậy là lại thêm một trở ngại nữa mà người thợ điện phải vượt qua: Xung quanh là mưa phùn, trước mặt là dịch bệnh, trên cao là lưới điện, liền lúc người thợ điện phải trả lời và giải quyết rất nhiều câu hỏi hóc búa để làm sao vừa bảo vệ chính mình, vừa ngăn ngừa dịch bệnh, lại còn giữ vững an toàn để phục vụ lâu dài cho sự nghiệp phát triển ngành Điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của xã hội.

 

Những người thợ điện đang kiểm tra tình trạng vận hành của máy biến áp

 

Mưa phùn và độ ẩm mùa xuân cũng là nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng phóng hồ quang điện đường dây, từ đó dẫn tới sự cố. Mùa này người thợ điện cũng phải luôn chân luôn tay với công việc; Ngoài ra việc di chuyển đi lại cũng gặp rất nhiều khó khăn khi mặt đường trơn trượt, gió lạnh cản lối.

 

Mùa hạ là mùa vất vả nhất trong năm của người thợ điện, khi vừa tiễn đưa cái nồm ẩm, ướt át của mùa xuân lại đón nhận ngay cái nắng nóng chói chang của mùa hạ. Với đặc tính lao động ngoài trời là chủ yếu do đó nắng nóng là những yếu tố trực tiếp mà người thợ điện phải đương đầu. Mùa hè cũng chính là lúc phụ tải trong cộng đồng tăng cao và sự “tăng cao” này thường chỉ tập trung vào một số thời điểm nhất định trong ngày, do đó càng làm khó những người thợ điện. “Phủ đỉnh phụ tải” luôn là khẩu hiệu xuyên suốt mùa hè và giường như là mệnh lệnh thường nhật đối với những người thợ điện. Từ đó phải điều phối dòng điện giữa “cung” và “cầu” sao cho vẫn nguồn điện ấy, phụ tải ấy ngành Điện và người thợ điện vẫn đảm bảo hài hòa các mặt lợi ích và phấn đấu không để nơi nào bị cắt điện luân phiên.

 

Mùa hè cũng là lúc người thợ điện ăn ngủ thất thường, với buổi sáng thì đi làm sớm cho mát, buổi trưa thì làm cố cho xong để người dân kịp có điện phục vụ sinh hoạt, nấu nướng; buổi chiều thì đến xẩm tối mới kết thúc công việc những mong kịp mang ánh điện phục vụ người dân thắp sáng màn đêm; từ đó những ngày này đi đến đâu ta cũng thấy bóng dáng những chiếc áo cam cần mẫn trên đường, trên cột điện mà đã có người ví von họ như “Những chú kiến vàng” tần tảo.

 

Thợ điện vẫn miệt mài làm việc giữa cái nắng chói chang của mùa hè

 

Nói mùa hạ là mùa vất vả nhất của những người thợ điện còn vì họ luôn phải đối mặt với cái nắng cháy da, cháy thịt của thời tiết cực đoan. Nắng nóng người ta tìm đến nơi dâm mát, còn những người thợ điện thì càng nắng nóng càng phải vận hành, càng phải làm việc nhiều hơn. Bằng chứng là những mùa hè vừa qua khi cộng đồng tìm về với những căn nhà có điều hòa mát lạnh thì người thợ điện lại phải căng mình chống chọi với nắng nóng, băng ra hiện trường, trèo lên cột điện. Có vẻ như có điều gì nghịch lý ở đây khi những người làm ra dòng điện lại hạnh phúc nhường lại cho cộng đồng cái công năng tuyệt vời ấy. Dẫu vậy những người thợ điện Việt Nam vẫn vui khi ý thức được sứ mệnh “Thắp sáng niềm tin” của mình.

 

Thợ điện khắc phục sự cố điện sau mùa mưa bão

 

Mùa thu là lúc áp lực của biểu đồ phụ tải đỡ căng thẳng hơn, nhiệm vụ cung cấp điện theo đó cũng dần được hạ nhiệt. Tuy nhiên mùa này thường có gió bão rất lớn. Tháng 7, tháng 8 âm lịch nhiều năm ngành Điện đã chịu tổn thất rất nhiều tài sản do hàng loạt cột điện bị gãy đổ, gây mất điện diện rộng. Những ngày này người thợ điện thường ăn cơm trưa tại hiện trường để mau chóng khôi phục lại lưới điện phục vụ cộng đồng. “Mỗi cơn bão qua Điện lực lên đường” là tên một bài hát nói về lòng quả cảm, sự khẩn trương của những người thợ điện Thái Bình ứng phó với cơn bão số 1 năm 2016; Đây là cơn bão đầu mùa có đường đi phức tạp và sức công phá bất thường đã lấy đi không ít sức lực của những người thợ điện quê lúa tại thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2016.

 

Thợ điện sửa chữa điện cho các hộ gia đình nghèo

 

Mùa đông những năm gần đây như lạnh sâu hơn thường lệ, đã vậy mỗi đợt không khí lạnh tăng cường lại đem theo mưa rét, làm cản bước những người thợ điện đi sớm về khuya để giao nhận ca. Cuối năm Canh Tý vừa qua tại một số tỉnh vùng cao của nước ta đã xuất hiện hiện tượng băng tuyết trắng xóa cả núi rừng, theo đó trên đường dây và nhiều thiết bị điện ngoài trời đã xuất hiện những lớp băng tuyết bám chặt đe dọa vận hành mất an toàn. Những người thợ điện đã phải “Đu dây gõ băng tuyết” để khôi phục trở lại dòng điện, phục vụ cộng đồng.

 

Những người lính điện nỗ lực đảm bảo điện trong điều kiện băng giá.

 

Mùa đông cũng là mùa cuối cùng trong năm theo chu kỳ khép kín "Xuân - Hạ - Thu - Đông". Mùa này là mùa duy nhất có thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới mà ta quen gọi là Giao thừa. Thời khắc này cũng chính là cao điểm sử dụng điện trong nhân dân, theo đó đây cũng là khoảng thời gian lo lắng nhất của những người thợ điện mà họ đã mất cả tháng trời để chuẩn bị cho sự kiện này. Đầu tiên là kiểm tra đêm lưới điện để phát hiện những sự cố tiềm ẩn, theo đó nhiều tổ kiểm tra đêm, ngày được khẩn trương thành lập; và rồi trong lúc mọi người đang ngon giấc giữa đêm khuya thì những bóng áo cam lầm lũi xé tan màn đêm di chuyển đến từng cột điện, đi dưới từng đường dây trung hạ áp, kiểm tra phóng điện các mối tiếp xúc, đầu cốt, sứ cách điện để “bắt bệnh” và sớm đưa ra giải pháp khắc phục, đảm bảo hạn chế tối đa sự cố mất điện đầu nguồn; công việc tiếp theo là hoán đổi các máy biến áp sao cho vẫn tài sản ấy, khách hàng ấy nhưng không để xảy ra tình trạng cháy, hỏng  thiết bị trong dịp Tết; cũng vì thế những ngày này khi ra đường, mỗi chúng ta không hiếm bắt gặp hình ảnh những chiếc xe thang, cần cẩu đang hối hả đu móc, di rời hay lắp đặt vào vị trí những chiếc máy biến thế to đùng, bên cạnh là những người thợ điện mặt mũi lấm lem dầu mỡ. Tất cả không ngoài mục đích là cung cấp an toàn ổn định dòng điện phục vụ cộng đồng trong những ngày vui Xuân đón Tết.

 

Người thợ điện ứng dụng công nghệ hotline trong sửa chữa lưới điện, mang điện

 

Một năm có bốn mùa "Xuân - Hạ - Thu - Đông" thì cả bốn mùa đều có những nét đặc trưng và đã lấy đi không ít sức lực của những người thợ điện. Xong dù là mùa nào người thợ điện cũng luôn chủ động đương đầu để thu phục dòng điện. Thời tiết có khắc nghiệt, dịch bệnh có khó lường thì người thợ điện vẫn luôn sẵn sàng mang công sức và trí tuệ của mình để khai thác triệt để công năng của nó. Tết đến Xuân về là lúc chúng ta có những khoảng lặng để nhìn lại một năm bận rộn, bộn bề của những người thợ điện. Vất vả là thế song vì niềm tin của bạn những người thợ điện Việt Nam luôn thấu hiểu và quyết tâm thực hiện tốt sứ mệnh "Điện đi trước một bước".

 

Một mùa Xuân mới đang về xin kính chúc những người thợ điện thân yêu của chúng ta một năm mới khỏe mạnh tràn đầy nhiệt huyết và thành công.

zalo